Xây dựng Văn hóa giao thông và kỹ năng tham gia giao thông an toàn
Trong
những năm gần đây, an toàn giao thông đang là vấn đề lớn được cả xã hội quan
tâm. Đi khắp nẻo đường, câu khẩu ngữ “An toàn giao thông là hạnh phúc cho mọi
nhà” như lời nhắc nhở, cũng là lời cảnh báo với những người tham gia giao
thông, hãy chấp hành luật giao thông để đem lại an toàn cho chính mình, cho gia
đình mình và cho xã hội.
Thực
tế, tai nạn giao thông đang diễn ra từng ngày từng giờ, chúng ta có thể dễ dàng
bắt gặp trên các mặt báo hay chương trình thời sự hàng ngày những tin tức về
các vụ tai nạn giao thông thường xuyên được cập nhật. Có rất nhiều nguyên nhân
dẫn đến tai nạn giao thông, bao gồm: cơ sở hạ tầng giao thông còn kém, phương
tiện giao thông không đảm bảo điều kiện an toàn (quá hạn, quá cũ, xe tự
tạo),…Tuy nhiên nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông đó
là ý thức của người tham gia giao thông.
Từ lâu việc xây dựng văn hóa giao thông đã được nhiều chuyên gia
xem là biện pháp quan trọng nhất nhằm kéo giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên để
hình thành và duy trì nếp văn hóa giao thông rất cần có sự vào cuộc của các cơ
quan ban ngành, đặc biệt trước hết là người tham gia giao thông. Vậy tuổi trẻ
học đường phải suy nghĩ và hành động như thế nào để góp phần làm giảm tai nạn
giao thông cho xã hội đồng thời thể hiện mình là người có văn hóa khi tham gia
giao thông?
Trước hết chúng ta cần hiểu như thế nào về “Văn hóa giao thông”? Văn
hóa giao thông chính là phải chấp hành đúng, gương mẫu và tự giác đối với Luật
Giao thông đường bộ. Theo đó, các hành vi ứng xử trước hết phải đặt ý thức tự
giác lên hàng đầu, tiếp đến là thực hiện đúng luật định, gương mẫu và tôn trọng
những người liên quan, bảo đảm an toàn tài sản, an toàn công cộng và trật tự
công cộng.
Để làm được điều này, cần phải loại bỏ các hành động như vượt đèn
đỏ, dừng đổ đèn đỏ không đúng quy định, chen lấn làn, bóp còi inh ỏi, … Những
hành vi trên không chỉ gây phiền toái mà còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn
cho chính người vi phạm và những người xung quanh. Bên cạnh việc tuân thủ
nghiêm túc luật giao thông, người tham gia giao thông một cách văn hóa còn cần
có tính cộng đồng. Tính cộng đồng chính là việc xử sự, là mối quan hệ giữa con
người với con người khi tham gia giao thông.
Tuy nhiên khi nhìn vào thực trạng hiện nay chúng ta có thể thấy
cách thực hiện của một bộ phận học sinh, thanh niên khi tham gia giao thông là chưa có " văn hóa giao thông" như: điều khiển xe mô tô phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định, xe không
có đăng ký, biển số, giấy phép lái xe,… Một số học sinh còn đi xe mô tô, xe
đạp điện không đội mũ bảo hiểm, dùng ô khi điều khiển xe đạp, xe máy... Khi tan
trường, học sinh “tụm năm, tụm ba”, dừng đỗ xe dưới lòng đường; đi xe đạp dàn
hàng ba, hàng bốn hay đi xe máy, thậm chí kẹp ba, kẹp bốn, lạng lách, đánh võng,
vừa điểu khiển phương tiện giao thông vừa nghe điện thoại… Thậm chí khi có sự
va quẹt thì thoái thác trách nhiệm, chưa cần biết người va quẹt có bị sao không
đã văng những câu chửi…
Học sinh, thanh niên là một lực lượng đông đảo có một vai trò quan
trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh
đã từng nói: “Thanh niên là người chủ tương lai của đất nước, nước nhà thịnh
hay suy, mạnh hay yếu, một phần là do thanh niên”. Vậy là những học sinh, thanh
niên các bạn hãy đóng một vai trò to lớn trong việc xây dựng “Văn hoá giao
thông” bằng những việc làm cụ thể như:
1. Đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần
đường quy định, đúng tốc độ cho phép và phải chấp hành hệ thống báo hiệu giao
thông.
2. Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ
quy định và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ
quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Đối với các phương tiện là xe máy điện, xe gắn máy dưới 50 phân
khối, người điều khiển phải đủ 16 tuổi trở lên. Hành vi giao xe cho người không
đủ điều kiện tham gia giao thông ngoài việc bị xử lý vi phạm hành chính còn có
thể bị xem xét xử lý hình sự cao nhất lên đến 7 năm tù nếu để xảy ra tai nạn
giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
3. Tuyệt đối không điều khiển phương tiện tham gia giao thông
khi đã sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn và các chất kích thích bị cấm khác.
4. Hãy đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn và cài quai đúng quy cách khi
tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện để bảo
vệ chính mình.
5. Khi điều khiển phương tiện đến nơi đường giao nhau không có
tín hiệu đèn, khu vực khuất tầm nhìn, các phương tiện phải chủ động giảm tốc
độ, chú ý quan sát để đảm bảo an toàn.
6. Hãy là những tuyên truyền viên tích cực về văn hóa giao thông.
Lực lượng học sinh, thanh niên hãy giương cao khẩu hiệu: “Văn hóa giao thông,
đồng hành tuổi trẻ”, “Văn hoá giao thông là không tai nạn”, “Một ý thức giao
thông, triệu nụ cười hạnh phúc”, “Xây dựng xã hội giao thông văn minh, đầy tình
người và không tai nạn”...
An
toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người, mọi gia đình và toàn xã hội. Tuổi
trẻ học đường với tư cách là chủ nhân tương lai của đất nước, là thế hệ tiên
phong trong nhiều lĩnh vực, có sức khỏe, có tri thức….cần có những suy nghĩ và
hành động đúng đắn và gương mẫu thực hiện những giải pháp thiết thực để góp
phần giảm thiểu tai nạn giao thông, chúc các bạn học sinh khi tham gia
giao thông đều an toàn.
(Nguồn: Sưu tầm và tổng
hợp từ Internet)