BÀI TUYÊN TRUYỀN VỀ THỰC HIỆN NẾP SỐNG VĂN MINH TRONG VIỆC CƯỚI, VIỆC TANG GẮN VỚI XÂY DỰNG GIA ĐÌNH VĂN HÓA, KHU DÂN CƯ VĂN HÓA
Kính thưa bà con nhân dân!
Thực hiện Chỉ thị
27-CT/TW ngày 12 tháng 01 năm 1998 của Bộ Chính trị về thực hiện nếp sống văn
minh trong việc cưới, việc tang; Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 09/02/2018 của Thủ
tướng Chính phủ về triển khai nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. Trong
những năm qua cấp ủy, chính quyền địa phương đã chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ
đạo triển khai thực hiện xuống từng xóm để nhân dân hiểu và thực hiện. Đồng
thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thông qua nhiều hình thức như:
qua hệ thống loa truyền thanh, các buổi họp xóm, các buổi sinh hoạt tổ chức
đoàn thể... Từ đó, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật
của Nhà nước, các nội dung, quy định của việc thực hiện nếp sống văn hóa; hương
ước về xây dựng đời sống văn hóa được nhân dân nắm bắt kịp thời và nghiêm túc
thực hiện. Để nếp sống văn hóa nhanh chóng đi vào nền nếp, cấp ủy, chính quyền
từ xã đến xóm đã gắn việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc
tang với việc thực hiện học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí
Minh; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; cuộc vận động
chung sức xây dựng nông thôn mới; phong trào xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Đồng thời, nêu gương, nhân rộng mô hình hay,
việc làm thiết thực của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên; kịp thời phê
phán những hiện tượng tiêu cực, hủ tục, mê tín dị đoan và các tệ nạn xã hội.
Với những nội dung nêu trên, thời gian qua, tình
hình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn xã đã
có những chuyển biến tích cực. Ý thức của người dân về xây dựng và thực hiện
nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang ngày càng được nâng cao. Các giá
trị văn hóa, đạo đức, lối sống được khơi dậy, phát huy mạnh mẽ; tệ nạn xã hội, hủ
tục lạc hậu được hạn chế, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội,
đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Việc thực hiện nếp sống văn minh
trong việc cưới, việc tang đã từng bước đi vào quy củ góp phần chuyển biến nhận
thức của đại bộ phận Nhân dân trong toàn xã. Việc thực hiện nếp sống văn minh
trong việc cưới, việc tang được đưa vào quy ước, hương ước của xóm, các tiêu
chí bình xét gia đình văn hoá, làng văn hóa văn hoá hàng năm.
Việc triển khai xây dựng nếp
sống văn minh trong việc cưới, việc tang được chỉ đạo triển khai quyết liệt và
thường xuyên từ xã đến xóm.
Việc cưới: đã được tổ chức một cách trang trọng, lành mạnh và văn minh,
đúng quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình và phù hợp với truyền thống văn hóa
dân tộc Việt Nam; nam nữ đến tuổi kết hôn có ý thức đến đăng ký kết hôn tại UBND xã. Từ năm 2012 đến nay, việc tổ chức đám cưới đã có nhiều chuyển
biến rõ rệt. Các đám cưới được điều chỉnh bằng hương ước của xóm, thông qua vai
trò của các tổ chức đoàn thể xã hội nên có nhiều chuyển biến theo hướng gọn nhẹ, đơn giản,
tiết kiệm. Các thủ tục đám cưới được tổ chức đơn giản, gọn nhẹ, không phô
trương hình thức, không rườm rà, không đòi hỏi lễ vật, trang phục cô dâu, chú rể
theo nghi lễ truyền thống dân tộc. Đa số đám cưới của Nhân dân đã loại bỏ được tình trạng ăn uống dài ngày. Tình trạng tảo hôn giảm mạnh.
Việc tang: Người dân trên địa bàn xã đã có ý thức chấp hành các quy định
tổ chức đám tang theo hương ước xóm đề ra, các hộ có đám tang được tổ chức chu
đáo, trang nghiêm, tiết kiệm, phù hợp với tập quán, truyền thống văn hóa của từng
hoàn cảnh gia đình. Việc tổ chức đám tang, cúng, viếng đảm bảo trang trọng, phù
hợp truyền thống đạo lý. Tất cả các lễ tang đều có Ban tổ chức lễ tang, có hội hiếu, trong đó có quy định, quy ước các thành viên trong hội hiếu và hàng xóm có trách nhiệm, nghĩa vụ cụ thể để hỗ trợ, giúp đỡ của gia đình có người qua đời trong việc tổ chức lễ tang. Nhiều nơi thời gian tổ chức lễ tang được rút ngắn bảo đảm tiết kệm, vệ sinh, an toàn.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả
đạt được, tình hình thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên
địa bàn xã vẫn còn một số hạn chế, đó là: Việc cưới có lúc, có nơi tổ chức đám
cưới còn tốn kém, hình thức báo hỷ chưa được hưởng ứng rộng rãi, đám cưới theo
nếp sống văn minh chưa có sự lan tỏa. Về việc tang, một số gia đình có tang
chưa thực sự tiết kiệm, tốn kém, lãng phí; Một số lễ cưới, lễ tang vẫn còn tình
trạng sử dụng nhạc quá giờ quy định, dựng khung rạp lấn chiếm vỉa hè, lòng đường
không đúng quy định gây cản trở, ách tắc giao thông,...
Thời gian tới, nhằm đẩy mạnh việc thực
hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội cần tiếp tục
tuyên truyền thực hiện Kết luận số 51/KL/TW ngày 22/ 7/2009 của Bộ chính
trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 27/CT/TW ngày 12/01/1998 của Bộ chính trị
( Khóa VIII) về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.
Phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện nếp sống
văn minh trong việc cưới, việc tang. Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện
tốt các nội dung hương ước, quy ước của xóm; nâng cao chất lượng xây dựng danh
hiệu gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn hóa
trong các cơ quan, đơn vị. Các ngành chức năng thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra
việc tổ chức cưới, tang ở các xóm, hộ gia đình, khu dân cư, kịp thời chấn chỉnh
và xử lý nghiêm những hành vi sai trái, những hiện tượng tiêu cực phát sinh;
định kỳ sơ kết, tổng kết để đề ra các biện pháp thực hiện đạt hiệu quả. Có các
biện pháp, cách thức kế thừa chọn lọc và phát huy những phong tục tập quán tốt
đẹp của từng địa phương để các chỉ thị, quyết định của Trung ương và của tỉnh
thực sự đi vào cuộc sống, tạo sự đồng thuận trong xã hội, đáp ứng nguyện vọng
của Nhân dân.
Văn hóa - Thông tin xã